Khô Cá Lóc Miền Tây

Giữa tháng 10 âm lịch, là thời điểm nhộn nhịp nhất của nghề làm khô ở thị trấn Chợ Mới-An Giang. Trước đây, chỉ có một vài hộ làm khô cá lóc bán lẻ ngay tại chợ, thì nay món đặc sản này có mặt ở khắp nơi, kể cả trong siêu thị. Nghề làm khô cá lóc bây giờ có gần chục cơ sở lớn, nhỏ giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương. Những cơ sở này được tập hợp lại thành tổ hợp tác để cùng xây dựng thương hiệu khô cá lóc Chợ Mới. Gần tết là thời điểm nhộn nhịp nhất của làng nghề để cung cấp hàng phục vụ cho thị trường.
Cơ sở khô cá lóc Sáu Tâm rất nổi tiếng ở vùng đất Chợ Mới, nhưng từ lâu, sản phẩm làm ra chỉ được bày bán trong chợ và những mối quen. Năm 2002, khi tham gia Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao, được người tiêu dùng ủng hộ nên cơ sở đã làm bao bì và có thương hiệu.
Bà Nguyễn Thị Anh, chủ cơ sở khô cá lóc Sáu Tâm, cho biết: “Vùng đất Chợ Mới từ xưa đến nay con cá lóc rất nhiều, đặc biệt là trong mùa nước nổi. Những lúc dội chợ, cá tươi ăn không hết nên nông dân xẻ khô trữ lại. Từ đó, nghề làm khô cá lóc cũng ra đời. Nghề gia truyền này của gia đình tui tồn tại mấy chục năm và trải qua 2 thế hệ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, mới phát triển lên cơ sở và sản phẩm làm ra nhiều hơn trước”.
Ở cơ sở Sáu Tâm bây giờ không chỉ có sản phẩm khô cá lóc mà còn có thêm khô cá chạch và cá lóc chà bông để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tết năm rồi, cơ sở này làm ra khoảng 700kg khô cá lóc thành phẩm để bán ra thị trường các tỉnh ở khu vực ĐBSCL. Sản phẩm khô cá lóc ở đây có hương vị đặc trưng rất riêng nhờ vào bàn tay khéo léo của người phụ nữ.
Bà Nguyễn Thị Anh cho biết thêm: “Để có miếng khô ngon, phải qua rất nhiều công đoạn như: làm sạch, loại bỏ xương, ướp gia vị và đem phơi nắng. Trong đó, ướp gia vị rất quan trọng để tạo ra hương vị riêng của từng cơ sở và đây cũng là bí quyết gia truyền…”. Hầu hết những sản phẩm khô cá lóc ở Chợ Mới đều được làm thủ công và phơi dưới ánh nắng mặt trời.

Share this

Related Posts

Previous
Next Post »