Xuồng Ghe Và Đời Sống Của Người Miền Tây
Có hay không, một bản sắc văn hóa xuồng, ghe Nam Bộ? Chỉ biết rằng, bao đời nay, với người dân miền Tây, xuồng, ghe, không chỉ là phương tiện đi lại, mà còn là phương tiện mưu sinh…
Miền Tây là xứ sở của sông nước mênh mông, rạch, ngòi chằng chịt, ba bề lộng gió biển khơi. Mùa nước nổi, dân Ðồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre… dùng xuồng, ghe làm nơi trú ngụ, vừa là nhà ở, phương tiện tránh lũ và kiếm sống. Giữa đồng nước dâng tràn, chiếc xuồng trở nên đa năng: Người thì giăng câu, kẻ bẻ bông điên điển chở ra chợ bán đổi gạo, mắm, tương, cà.
Xuồng còn vận chuyển lúa gạo, xăng dầu, thuốc men, thực phẩm… đến tận hang cùng ngõ hẻm, trao đổi bán buôn, khổ thì có khổ mà vui thì rất vui. Ðêm trăng rắc bạc trên sóng nước, dăm ba chiếc xuồng, ghe cụm lại bồng bềnh, vừa nhâm nhi ly rượu nếp đặc sản miền Tây, vừa hàn huyên chuyện làm ăn rồi đổ dài câu vọng cổ, hỏi có gì hạnh phúc cho bằng?
Có ai đếm xuể có bao nhiêu gia đình, bao nhiêu con người sinh sống trên những con thuyền khắp sông rạch miền Tây? Từ người giàu có cả chục con tàu chở khách, chở gạo, cát đá, gạch ngói, xi-măng, sắt thép buôn bán trăm miền, đến anh câu tôm, chài tép, cào hến, bắt nghêu, đóng đáy, chị rao bán cá linh, trái cây và em gái đưa đò… Cảnh ghe, xuồng tấp nập trên bến dưới thuyền miền quê nào cũng có, song có lẽ không đâu qua được những “chợ nổi” ngã bảy Phụng Hiệp (Cần Thơ), ngã năm Thạnh Trị (Sóc Trăng), Tắc Thủ (Cà Mau).
Chợ nổi càng về đêm càng náo nhiệt, hàng hóa không thiếu thứ gì, song nhiều nhất vẫn là nông sản thực phẩm. Dưới ánh đèn đủ sắc dập dềnh trên sóng nước, hoặc dưới nắng sớm bình minh, những thuyền trái cây thật rực rỡ muôn mầu. Cũng tiếng chào hàng nồng nhiệt, tiếng máy nổ xập xình, tiếng heo, gà vịt kêu réo điếc tai, cũng đủ các loại hàng hóa công nghệ cao cấp.
Chỉ khác các cửa hàng trên bộ, bởi ít thấy những biển quảng cáo, biển hiệu,… mà từng ghe, xuồng mở trần mui bày bán đủ đồ, hoặc chỉ cần một cây cột ngắn trên đó mắc đủ thứ hàng mẫu thế là khách mua biết ngay, không cần phải quảng cáo rùm beng.
Hình ảnh quen thuộc gắn với chiếc xuồng, với sông nước Nam Bộ là những thiếu nữ mặc áo bà ba, đội nón lá khua nhẹ mái dầm đâu đó cất lên giọng hò ngọt ngào và tha thiết, cái thú đó không nơi nào có được. Du thuyền trên sông nước miền Tây còn có cái thú để ta suy ngẫm về một vùng đất nước. Ở đây đang hằng ngày đổi thay. Cái mới, cái cũ cũng từng ngày diễn ra… Bắt đầu từ nơi rừng gặp biển của đất mũi Cà Mau. Biển vẫn còn đó, nhưng rừng bây giờ lại kém bạt ngàn.
Vốn được coi là Amazon của Việt Nam, bơi thuyền trong rừng đước là thú vui của không biết bao người. Rừng ngập mặn Cà Mau từng che bộ đội, vây quân thù. Chả thế mà giặc Mỹ thả xuống đây không biết cơ man nào là bom đạn, thuốc hóa học diệt trừ mầu xanh mà “đước vẫn mọc thành rừng gỗ cứng” để con tôm ôm cây đước…
Giờ đây sao con người nỡ hủy hoại nơi thủy tổ của các loài tôm cá, nơi đã từng cưu mang con người bao cơn gian nguy hoạn nạn? Kìa những đoàn thuyền đang xuôi dòng. Không ít trong số thuyền chở đầy than đước, gỗ đước, dù cố ý hay vô tình thì cũng trở thành “đồng phạm” tiếp tay cho kẻ phá rừng…
Sông Cà Mau, Năm Căn, Bảy Háp, Bồ Ðề… sao còn được như giọng hò:
“Bao giờ hết đước Năm Căn,
Ông Trang hết cá, Viên An hết rừng?”…
“Bao giờ hết đước Năm Căn,
Ông Trang hết cá, Viên An hết rừng?”…
Suu Tam