Hồi xa xưa, vùng quê cá nhiều vô số kể, đây là nơi trú ẩn, sinh sôi nhiều loại cá đồng như: Trê, lóc, cá sặc rằn, sặc bướm, thát lát, rắn, rùa, lươn, cua đinh. Cá là món ăn rất gần gũi với bà con, có nhiều người ăn cá từ khi mở mắt chào đời cho đến ngày răng long tóc bạc mà vẫn không biết chán, biết chê. Trước đây, bà con bắt cá bằng những dụng cụ thô sơ như: Tát đìa bằng thúng, bằng mo cau cột thành cái gàu, hoặc thùng thiếc rồi đến gàu sòng, gàu dai… một thời gian nhờ máy nổ hút nước. Nhưng bắt cá chụp đìa bằng cách “ken lưới” là tiện lợi, khẩu đìa ngắn hay dài đều bắt được, con cá không đuối sức và hầu như bắt trọn ổ.
Bà con ở vùng quê rất có kinh nghiệm xem, tìm hiểu đìa cá nhiều hay ít. Xem bằng nhiều cách: Lắng nghe tiếng quẫy đuôi, tiếng ngớp, tiếng ục, tiếng chép, tiếng táp mồi. Chắc hơn nữa, lặn xuống hươ tay có đụng cá hay không? Xem cá xắn để dấu vào ở hai mé đìa nhiều hay ít, cá làm hang nhiều không?...
Sau khi xem xong khẩu đìa của mình, gia chủ mới đi mướn lưới chụp, lưới dài hay ngắn đều có đủ kích cỡ. Trước tiên, dùng “phảng” phát cỏ dại, rau muống, lục bình, lấy “cù nèo” dọn sạch rau cỏ, lục bình trong đìa kéo sạch lên bờ, chờ nước lắng là bắt đầu ken lưới.
Chụp đìa là nếp sống quen thuộc của bà con quê tôi, các địa phương khác xem câu chuyện chụp cá đìa như huyền thoại. May thay bà con ta vẫn tiếp tục nuôi cá đồng; vẫn tiếp tục sống chung với cá, vẫn hy vọng vùng đất quê tôi mãi là một thế giới cá đồng.