Ngày xưa, chúng tôi mong Tết dữ lắm. Đầu tháng 12 âm lịch đã nôn nao rồi. Lúc đó thường là 28-29 tết. Thường khi ấy gió chướng về thổi phần phật, mấy cây mai chỉ toàn nụ xanh, ngã qua ngã lại. Không khí có cái gì đó khan khác, vui lắm, không giống ngày thường. Bọn trẻ chúng tôi càng nôn nao tợn.
Khi bà nội tôi bảo rửa lá chuối gói bánh ít thì Tết đã đến gần. Những tàu lá chuối chọn cho lành nguyên, rọc ra và xé thành những miếng khoảng 30 cm vuông. Lá đem rửa cho sạch rồi, cắt tròn góc rồi phơi một tí nắng cho mềm lá. Mẹ tôi thì nấu đậu xanh cho nhừ rồi nêm nếm để nguội. Vắt đậu thành những viên nhân. Dừa rám-tức không quá già-đem nạo rồi xào với đường. Loại đường thẻ mà ngày nay ít khi thấy có bán trên thị trường. Dừa xào xong cũng vắt thành nhân. Công đoạn của bà tôi làm là chuẩn bị bột. Bột nếp xay ra từ mấy ngày trứơc, sau đó cho bột nuớc vào trong cái bao "bồng bột". Loại bao làm bằng vải dầy chỉ cho nuớc rỉ ra chứ bột thì còn lại. Sau một ngày đêm cục bột còn lại trong bao phân làm hai, nửa đem xắt phơi khô. Còn phân nửa để trắng như vậy để gói bánh dừa ngọt. Còn bột khô thì nhào nặn với đường nung chảy làm thành thứ bột ngà ngà như mật, thơm lừng mùi đường thẻ. Bột này ngọt dùng để gói nhân đậu xanh.
Tôi chỉ được sai vặt. Lúc thì rửa lá lúc thì nạo dừa, chụm lửa chứ chưa khi nào được mó tay vào việc gói bánh. Vì công việc này đòi hỏi phải có nghề. Nếu không, khi chín, bánh sẽ không đứng thẳng mà bò dài ra. Mẻ bánh hấp được chín đầu tiên bao giờ cũng là để xem bột có khô không, có nhiều nước không.