Phát triển nông nghiệp bền vững ở đồng bằng sông Cửu Long
Ðồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) là vùng đất có lợi thế về nhiều mặt, nhất là lĩnh vực nông nghiệp. Thế nhưng, nhiều năm qua, tiềm năng về đất đai, khí hậu, nguồn nước… ở đây chưa được khai thác một cách hiệu quả. Các ngành trồng trọt, chăn nuôi, chế biến hải sản… sản xuất còn mang tính tự phát. làm gì để khắc phục tình trạng này?
Chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế
ÐBSCL thuộc châu thổ sông Mê Công có diện tích đất tự nhiên gần bốn triệu ha, chiếm 12% diện tích của cả nước và chủ yếu là đất nông nghiệp (khoảng 3,2 triệu ha). Hằng năm ÐBSCL sản xuất hơn 50% tổng sản lượng lương thực và đóng góp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu trong toàn quốc; thu ngoại tệ khoảng 1,5 đến hai tỷ USD/năm. Sản xuất thủy sản chiếm hơn 70% sản lượng của cả nước và đóng góp khoảng 80% lượng xuất khẩu, thu ngoại tệ hơn 2,5 tỷ USD/năm. Ngoài ra, chăn nuôi, trồng trọt cây ăn trái và rau màu đã cung cấp khối lượng lớn cho thị trường trong và ngoài nước. Bởi vậy, khu vực này được coi là nơi có nhiều cái nhất trong cả nước: Sản lượng lúa gạo, sản lượng cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản lớn nhất. Thế nhưng, một nghịch lý vẫn tồn tại bấy lâu nay, chưa tìm được lối ra, đó là đời sống người dân vẫn còn nghèo; nhất là chất lượng nguồn nhân lực và giáo dục thấp; ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển nông nghiệp của toàn vùng.
Qua tìm hiểu cho thấy, phát triển kinh tế ở ÐBSCL lâu nay chủ yếu mang xu hướng khai thác tiềm năng tự nhiên hiện có. Ðầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, điện, thủy lợi còn hạn chế. Sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ yếu là dạng thô và sơ chế chiếm tỷ trọng lớn. Ðáng chú ý, tuy là vùng đất phì nhiêu, màu mỡ, được ví là “vựa thóc”, “mỏ tôm, cá” của quốc gia nhưng nguồn thủy sản ở đây đang có nguy cơ cạn dần trước tình trạng xâm nhập mặn sâu vào nội đồng. Mưa lũ, hạn hán, nhất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang ngày càng tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp. Theo Viện Khoa học thủy lợi miền nam, nước mặn từ Biển Ðông đang theo các dòng sông xâm nhập vào ÐBSCL sâu tới 70 mét. Trước đây, vào tháng 5, tháng 6 nước mới xâm nhập nội đồng thì năm nay, giữa tháng giêng đã diễn ra tình trạng đó. Tại các tỉnh gần biển như Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh, Tiền Giang… nước biển có độ mặn từ bốn phần nghìn trở lên đã xâm nhập sâu vào đất liền. Theo các nhà khoa học, cây lúa chỉ có thể thích nghi với độ mặn cao nhất là hai phần nghìn. Kết quả của các cuộc khảo sát, điều tra nghiên cứu gần đây cũng cho thấy có tới 31% tổng diện tích đất nông nghiệp và ngư nghiệp của vùng châu thổ này sẽ bị đe dọa khi mực nước biển dự kiến dâng cao thêm một mét vào năm 2100. Cũng qua tìm hiểu được biết, nét nổi bật trong sản xuất nông nghiệp của vùng ÐBSCL trong những năm qua là đi đôi với mở rộng diện tích thông qua khai hoang, cải tạo đồng ruộng, tăng vụ là chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích. Nhưng do tình trạng cơ giới hóa nông nghiệp còn yếu và manh mún; khả năng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn thấp cho nên năng suất và chất lượng lúa gạo chưa cao. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, kèm theo hàm lượng “chất xám” trong hàng hóa thấp đẩy giá thành lên cao và cạnh tranh thị trường kém, nhất là thị trường xuất khẩu. Ðược biết, hiện chỉ có 25% số nông dân ở ÐBSCL tiếp cận được với các thông tin thị trường. Ðáng nói là có tới 90% lượng sản phẩm nông nghiệp bán ra ở dạng thô và 60% lượng sản phẩm bị ép với giá thấp. Rõ ràng việc sản xuất, kinh doanh nông nghiệp của nông dân vùng ÐBSCL còn nhiều bất cập. Chủ nhiệm HTX Vú Sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang) Nguyễn Văn Ngần bức xúc: Vụ vú sữa vừa qua, HTX chỉ tiêu thụ được vài tấn trong khi sản lượng đạt Global GAP (sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu) lên đến hơn 150 tấn. Nông dân làm ra sản phẩm vú sữa chất thành đống, không bán được nhưng chẳng biết kêu ai !
Dựa vào những tiềm năng và lợi thế vốn có của ÐBSCL, nhiều năm qua, Nhà nước chủ trương tập trung ưu tiên nguồn lực để phát triển nông nghiệp một cách bền vững. Trên cơ sở đó, Chính phủ ra quyết định thành lập vùng kinh tế trọng điểm ÐBSCL, xác định đây là trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông, thủy sản của cả nước. Ngoài ra, vùng kinh tế trọng điểm ÐBSCL còn đóng vai trò quan trọng trong chuyển giao công nghệ sinh học, cung cấp giống, các dịch vụ kỹ thuật, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp cho cả vùng. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã và đang có nhiều chương trình đầu tư lớn nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng để tạo động lực kéo theo sự phát triển cho các ngành, trong đó có sản xuất nông nghiệp, như vừa khánh thành cầu Cần Thơ, chuẩn bị xây dựng cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh nhằm phá thế “qua sông lụy đò”. Mặt khác, hoàn thành đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương – Cần Thơ; khôi phục tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh – Mỹ Tho. Tiếp tục đầu tư nâng cấp các sân bay Cà Mau – Phú Quốc, Ðường Hồ Chí Minh nối dài về đất mũi Cà Mau và các tuyến Quản Lộ – Phụng Hiệp; nam sông Hậu N1, N2 dọc biên giới… Một tin vui khác mà Bộ Giao thông vận tải cho biết, thời gian tới, ngành cũng sẽ triển khai các dự án giao thông mới như tuyến tránh kênh Chợ Gạo dài 28 km qua tỉnh Tiền Giang; nâng cấp tuyến vận tải sông Hàm Luông dài 18 km qua Bến Tre; nâng cấp tuyến vận tải thủy Bạc Liêu – Cà Mau dài 72 km và nâng cấp tuyến vận tải thủy Ðồng Tháp Mười – Tứ giác Long Xuyên dài 288 km. Hệ thống cảng biển cũng đã và đang được hoàn chỉnh… Ðó là cơ hội lớn cho lượng hàng hóa của vùng ÐBSCL rộng lớn thông thương với nước ngoài; nhất là các loại nông sản và thủy sản quý hiếm. Rõ ràng việc đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng; nhất là phát triển mạng lưới giao thông được coi là đột phá nhằm đánh thức tiềm năng trong sản xuất nông nghiệp của vùng ÐBSCL rộng lớn. Ngoài ra, thực tế cho thấy, muốn phát triển nông nghiệp bền vững ở vùng đất mang tính đặc thù này; các địa phương, các ngành cần có quy chế phối hợp hành động trong quản lý, quy hoạch, tiêu thụ sản phẩm cũng như bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường. Kỹ sư Hồ Quang Cua, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết: Với mô hình trồng lúa thơm trên ruộng tôm được thực hiện mới đây ở huyện Mỹ Xuân, Vĩnh Châu… không những cho hiệu quả kinh tế cao mà môi trường xanh đã được thành lập lại, mở ra cơ hội làm giàu bền vững cho nông dân. Còn theo TS Ðặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược và phát triển nông nghiệp, thì: Phát triển nông nghiệp bền vững tại ÐBSCL, cần tính tới việc sử dụng các nguồn lực tự nhiên khan hiếm một cách hiệu quả và không ảnh hưởng tới khả năng sử dụng và làm mới các nguồn lực này; nhất là nguồn lực phong phú và sẵn có từ đất và nước; Nhiều nhà khoa học cũng nhận định: Muốn phát triển nông nghiệp ÐBSCL cần có một chính sách quy hoạch tổng thể, có cơ chế đặc thù cho nền nông nghiệp toàn vùng. Ðầu tư nâng cấp hệ thống các cống, tuyến đê sông, đê biển để vừa ngăn mặn vừa phòng tránh thiên tai, lụt bão, nước dâng do biến đổi khí hậu. Cần có chính sách cụ thể phát triển nông nghiệp bền vững thông qua mô hình liên kết bốn nhà (Nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông). Ðồng thời quy hoạch phát triển nông nghiệp bền vững gắn với quy hoạch phát triển công nghiệp chế biến, cơ sở hạ tầng và khu dân cư để nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất nông nghiệp và cho cả nông dân; nhất là có chính sách chế tài của Nhà nước trong quan hệ giữa doanh nghiệp ký kết hợp đồng mua bán, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân. Ðề cập vấn đề liên kết bốn nhà; GS, TS Võ Tòng Xuân, nhà khoa học giàu kinh nghiệm về lĩnh vực nông nghiệp từng gắn bó nhiều năm ở ÐBSCL cho rằng: Doanh nghiệp cần tích cực đi tìm thị trường, đặt hàng cho nông dân về số lượng, chất lượng và thời điểm cung ứng. Nhà nước cần thể hiện vai trò trung gian gắn kết, cụ thể là hỗ trợ nông dân về mặt kỹ thuật để có sản phẩm an toàn, chất lượng cao với giá thành thấp; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu hàng hóa và khuyến khích việc tìm kiếm thị trường. Tuy nhiên, trong lúc mối liên kết “bốn nhà” chưa mạnh thì tự thân mỗi “nhà” cần tự khẳng định vai trò và chủ động, tìm cách liên kết trên cơ sở hai bên cùng có lợi. Nhiều năm qua, việc lo đầu ra cho các loại nông sản chủ lực ở ÐBSCL đã có một vài mô hình liên kết khá thành công. Ðó là, Công ty ADC (TP Hồ Chí Minh) hỗ trợ kinh phí cho hợp tác xã Mỹ Thành, xã Mỹ Thành Nam, Cai Lậy (Tiền Giang) xây dựng mô hình sản xuất để được công nhận lúa đạt tiêu chuẩn Global GAP, sau đó bao tiêu toàn bộ số lúa này với giá cao hơn thị trường 20%. Còn Công ty lương thực Tiền Giang ký hợp đồng bao tiêu hàng trăm héc-ta lúa chất lượng cao và an toàn cho huyện Cai Lậy nhiều năm nay, bảo đảm nông dân có lãi và không lo lúa ứ đọng, rớt giá. Ngược lại, mới đây, có mặt ở tỉnh Sóc Trăng, chúng tôi gặp cảnh nhiều nông dân khốn khó vì lúa ế. Ông Lê Văn Hớn, xã Ðại Ngãi, huyện Long Phú than phiền: Cả nhà đang rơi vào cảnh túng quẫn vì hơn sáu tấn lúa hè thu sớm thu hoạch mấy tuần nay chưa tiêu thụ được. Theo ông Hớn, mặc dù giá giảm xuống còn 3.800 đồng/kg nhưng vẫn không bán được. Mối liên kết nhà doanh nghiệp – nhà nông phát huy hiệu quả nhất là việc nuôi cá tra. Hiện phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu cá tra ở ÐBSCL đều tự chủ nguồn nguyên liệu bằng cách ký hợp đồng liên kết với nông dân thông qua các hợp tác xã hoặc tổ hợp tác. Với cách làm này, các doanh nghiệp không lo thiếu nguyên liệu mà nông dân nuôi cá cũng không cần bỏ nhiều vốn đầu tư và không sợ thua lỗ. Lý giải cụ thể hơn mối “liên kết” giữa bốn nhà, TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền nam, bộc bạch: Chỉ chính quyền địa phương mới có đầy đủ quyền hạn và điều kiện để lập dự án quy hoạch đầu tư ngân sách và chỉ đạo thực hiện. Nhà khoa học và doanh nghiệp không thể đến từng nhà dân để chỉ đạo họ trồng cây này, nuôi con kia và bắt họ vào HTX để tạo ra nguồn nguyên liệu cung cấp cho doanh nghiệp. Nông dân cũng không thể tự thành lập HTX hoặc xây dựng vùng nguyên liệu. Nếu Nhà nước làm quy hoạch dự án được nhà khoa học và doanh nghiệp hưởng ứng thì nhà nông mới hy vọng giàu lên. Ðược biết, mới đây Bộ Tài chính trình Chính phủ Ðề án bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2010-2012. Nếu đề án này sớm được thực hiện, nông dân cả nước nói chung, nông dân vùng ÐBSCL nói riêng sẽ từng bước hạn chế được thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh và tình trạng bấp bênh trong tiêu thụ nông sản như hiện nay.
Vùng đất ÐBSCL đang có tiềm năng và lợi thế lớn trong nông nghiệp nhưng chưa được khai thác một cách triệt để. Muốn phát triển và có sức vươn ra biển lớn, vùng đất chín rồng này đang cần một chiến lược quy hoạch tổng thể theo hướng bền vững và lâu dài mà trách nhiệm trước hết là từ phía Nhà nước, chính quyền địa phương và các ngành, các cấp có liên quan.
Bài và ảnh Phan Huy Hiền và Tuấn Vũ
Theo .NhânDân
Theo .NhânDân