Thụt cá bống sao

Trong mỗi người chúng ta ai cũng có một thời tuổi thơ hồn nhiên với rất nhiều kỷ niệm đáng yêu, đáng nhớ. Ðể khi xa rồi thì vẫn mãi luyến lưu hoài niệm bên lòng.

Ðám con nít ở thôn quê tuy không khôn lanh như trẻ ở thành thị, nhưng bù lại rất rắn rỏi, chắc da chắc thịt nhờ đủ đầy sương nắng. Mỗi khi đi học về là lại tụ năm tụ bảy rủ nhau bày đủ thứ trò chơi của tuổi mới lớn. Nếu không thì rủ nhau đi tắm sông. Nhớ những hôm nước ròng bỏ bãi, những chú cá bống sao cứ giương mắt trườn dài trên bãi bùn. Khi thấy chúng tôi lội tới thì chúng liền bò vô hang. Vậy là chúng tôi mỗi đứa liền đi kiếm cho mình một cọng lá dừa, tướt bỏ hết lá, cọng dừa đầu trên vuốt nhọn, phần đuôi khoanh chặt như hình tròn. Vậy là đã có đồ nghề để thi thố tài năng.
Dưới bãi sông, những con cá bống sao nhỏ thường hay làm hang ngoài bãi trống. Còn những con cá lớn hơn thì chúng hay làm hang theo mấy gốc cây bần và hang thường rất sâu. Ham thụt được cá lớn nên đứa nào cũng đi theo gốc cây bần để thụt. Hang cá sâu, thụt hết cánh tay mà vẫn chưa tới, vậy là phải móc lỗ đất nới hang cá rộng ra để trui vào mà bắt cho bằng được.

Vì mải mê bắt cá nên đứa nào đứa nấy đầu cổ tay chân đều dính đầy bùn đất. Lội bãi, mà một tay xách xâu cá còn một tay phải nắm cái quần đùi lại cho thật chặt, nếu không thì kể như nó tuột xuống luôn. Ðến khi thấy mệt mỏi thì mới chịu xuống nước tắm cho sạch sình bùn rồi về.

Mỗi lần đi thụt cá, đứa nào nhiều thì được hơn một ký. Còn đứa nào dở thì cũng đủ cho nồi canh chua. Thụt được cá, chúng tôi lượm thêm vài trái bần chín rụng ngoài bãi đem về cho mẹ nấu canh chua. Món ăn dân dã ấy đã trở thành đặc trưng của xứ sở cù lao quê tôi. Chắc có lẽ tại con cá bống sao thích chọn nơi bãi bần để sinh sống nên nó làm nồi canh chua bần mà mỗi bữa cơm dọn ra mới ngửi mùi vị thôi là đã thấy đói bụng rồi.
Cứ mỗi lần ra bãi sông thấy đàn cá bống sao tung tăng chạy ngược chạy xuôi là tôi lại thấy ngứa nghề. Ði thụt cá riết rồi cũng thành một thói đam mê. Nếu tôi không rủ mấy đứa bạn thì tụi bạn cũng rủ ngược lại tôi.

Bãi sông là đất phù sa nên bùn rất lầy. Ði hoài cũng biết ngán, nhưng có lẽ tại bầy cá bống sao luôn luôn quá đông và chúng hay giương đôi mắt nhìn chúng tôi như cố tình thách thức. Ðến khi bị rượt thì mới chịu chui vào hang để trốn. Ði thụt cá không chỉ giúp được ba má ở nhà đỡ tốn tiền mua đồ ăn, mà với chúng tôi đó còn là những trận đánh trò dưới bãi sông khi bọn cá bống sao lấy số đông thách thức. Ðó cũng là một niềm vui mà không phải trẻ thơ ở đâu cũng có được.
 
Ngày tháng ấy giờ đã trôi xa. Ðám bạn chung xóm ngày xưa nay mỗi đứa đã một phương trời vì tương lai sự nghiệp. Cái thời đi thụt cá của tôi cũng trôi vào miền ký ức. Cuộc sống là những bộn bề vất vả lo toan vì chén cơm manh áo, mà đôi khi phải vắt kiệt mồ hôi.

Những phút giây nhàn nhã, một mình ra đứng phía bãi sông, thấy bầy cá bống sao đang nhảy múa tung tăng bên tán những cây bần nghiêng nghiêng rợp bóng mà chạnh lòng nhớ quá những ngày tháng tuổi thơ. Nhưng thời gian có trôi ngược bao giờ. Nhớ lắm tuổi thơ mình nơi miền quê còn cất giữ bao yêu thương.

Khám Phá Cà Mau



Cà Mau là vùng đất cực Nam Tổ quốc - nơi mà các bậc tiền nhân đã khai hoang, mở cõi trên mảnh đất phù sa. Nhà văn Nguyễn Tuân đã từng ví Cà Mau như "Ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm" chứa đựng biết bao kỳ tích, huyền thoại của quá trình khai hoang, mở cõi. 
Ðến Mũi Cà Mau, du khách được chiêm ngưỡng mênh mông của biển, của trời, bạt ngàn rừng cây non xanh đang tiến dần ra biển. Với một vùng đất phù sa màu mỡ, có những khu rừng ngập nước quanh năm đã tạo cho Cà Mau một cảnh quan đặc sắc mang nét riêng của vùng đất trẻ đầy hoang sơ, mới lạ.
Vị trí địa lý
Cà Mau là tỉnh cực nam của Tổ quốc. Phía bắc giáp Kiên Giang, phía đông bắc giáp Bạc Liêu, phía đông và đông nam giáp biển đông, phía tây và tây nam giáp vịnh Thái Lan.
Khí hậu
Cà Mau nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, gió mùa, nóng ẩm. Có hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Lượng mưa trung bình 2.500mm/năm. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 26ºC - 27ºC.
Phương tiện đi lại
Du khách đến thành phố Cà Mau có thể đi bằng đường bộ (375 km từ TP.HCM) hay đường sông (130 km từ Cần Thơ) và đường hàng không.
Đường không: Vé máy bay Sài Gòn đi Cà Mau hiện mỗi ngày chỉ có một chuyến bay vào lúc 05h55 xuất phát tại TPHCM, đến Cà Mau lúc 06h55. Giá vé một chiều khoảng 1,705,000 VND. Giá vé chiều ngược lại Cà Mau – Sài Gòn khoảng 1,695,000 VND (khởi hành lúc 7h35). Vé khứ hồi khoảng 3.400.000VND. Quý khách lưu ý giá vé này chưa bao gồm thuế và một số phụ phí khác.
Đường bộ: Quốc lộ 1A từ Cần Thơ, Sóc Trăng xuống, qua Bạc Liêu (114km), Cà Mau ( khoảng 175km). Giá vé khoảng 110.000 - 120.000VND. Có tuyến xe khách từ bến xe miền Tây của thành phố Hồ Chí Minh tới Cà Mau. Giá vé giao động từ 200.000 - 220.000 VND.
Bạn có thể mua vé xe khách, vé tàu hay vé máy bay tại các đại lý vé. Khi mua nên tìm hiểu luôn về thời gian xuất bến, lịch trình cụ thể, các điểm có thể đi qua.
Từ Sài Gòn, có thể xuất phát theo hai hướng là từ vòng xoay Phú Lâm (Q.6) hay Q.7 (hướng cao tốc Trung Lương). Các du khách di chuyển bằng xe cá nhân từ Sài Gòn – Cà Mau thường đi và về trên hai cung đường khác nhau để kết hợp tham quan các tỉnh.
Đi Cà Mau khi nào?
Mỗi mùa, Cà Mau lại mang một vẻ đẹp khác nhau để bạn khám phá và tìm hiểu. Song nếu đến vào tháng 7-8 âm lịch, bạn sẽ được thưởng thức cái ngon đúng vị của ba khía Rạch Gốc.
Đi đâu và chơi gì ở Cà Mau?
Mũi Cà Mau: là mảnh đất nhô ra ở điểm tận cùng phía Nam của Việt Nam thuộc địa phận xóm Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, cách thành phố Cà Mau hơn 100 km. Đến với điểm du lịch Mũi Cà Mau, du khách được thăm cột mốc toạ độ quốc gia, ngắm rừng, ngắm biển, chiêm ngưỡng ráng chiều ẩn hiện trên vùng trời biển bao la.
Những địa điểm nổi tiếng khác
Hòn Khoai: thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, cách đất liền 14,6km, nằm về phía tây nam thị trấn Năm Căn.
Nếu đi tàu 90CV từ Rạch Gốc (cửa ngõ của huyện Ngọc Hiển ra biển Đông), thì chỉ sau 3 giờ vượt biển, du khách đã có thể chiêm ngưỡng được Hòn Khoai - một trong những hòn đảo đẹp nhất miền cực nam của Tổ quốc.
Hòn Đá Bạc: Thuộc xóm Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, cách Tp. Cà Mau 50km đường thủy. Hòn Đá Bạc có diện tích 6,43ha, là cụm đảo đẹp gồm ba đảo nằm sát bờ biển. Trên đảo có nhiều cảnh đẹp như sân Tiên, giếng Tiên, bàn chân Tiên, bàn tay Tiên, chùa Cá Ong.
Vườn quốc gia U Minh Hạ: được thành lập năm 2006, diện tích rộng trên 8.000 ha. Đây là khu vực có hệ động thực vật đặc trưng vùng đất ngập nước trên lớp than bùn do xác thực vật tích tụ lâu năm tạo thành. Thực vật đặc hữu ở đây là các loài: tràm, móp, trảng năn, sậy... Động vật đặc trưng là: rái cá lông mũi, tê tê, nai, khỉ đuôi dài, lợn rừng, rùa, rắn, trăn, các loại cá nước ngọt, chim, côn trùng...Đặc biệt, rừng tràm nở hoa quanh năm, hương thơm thoang thoảng, dễ chịu, là nơi nuôi ong lấy mật, cung cấp đặc sản mật ong có giá trị dinh dưỡng cao.
Ngoài ra, du khách cũng có thể đến những địa điểm mang tính tâm linh như: Chùa Bà ở phường 2;  Chùa Phật tổ ở phường 4, thành phố Cà Mau; hay đình Tân Hương ở xã Lý Văn Lâm;...
Còn rất nhiều nơi khác mà du khách không thể bỏ qua khi tới Cà Mau như: Vườn chim trong thành phố nằm ở Công viên văn hóa (Khu tưởng niệm Bác Hồ), thuộc Tp. Cà Mau, cách trung tâm thành phố chừng 2km về phía tây.
Ngoài ra còn 2 sân chim khác là sân chim Đầm Dơi, cách thành phố Cà Mau khoảng 45km về phía đông nam và sân chim Tư Na ở huyện Năm Căn.
Khách sạn:
Giá phòng tại đây dao động từ 250.000 – 1.200.000 đồng. Một số khách sạn bạn có thể tham khảo như sau:
Khách sạn 3*
Khách sạn Ánh Nguyệt (207 Phan Ngọc Hiển, phường 6, Thành phố Cà Mau); Khách sạn Best CM (463C Nguyễn Trãi, phường 9,Tp.Cà Mau).
Khách sạn 2*
Quốc Tế (179 Phan Ngọc Hiển, phường 6, Tp.Cà Mau); Đông Anh (25 Trần Hưng Đạo, Phường 5, Thành Phố Cà Mau), Song Ngọc (2B Hùng Vương, Khóm 4, Phường 7, TP Cà Mau); Hải Châu (229 Hùng Vương phường 7 thành phố Cà Mau); Hoàng Gia (27 - 29 Trần Hưng Đạo, Phường 5, TP. Cà Mau), ….
Đến Cà Mau ăn gì?
Cà Mau từng là vùng rừng thiêng nước độc, không người sinh sống. Đến cuối thế kỷ 17, vùng đất này đã được bàn tay con người khai hoang mở cõi, đã trở thành vùng đất trù phú, dồi dào sản vật địa phương mà những vùng đất khác không thể sánh bằng. Những món ăn của người Cà Mau cũng vì thế mà đặc biệt hơn, thú vị hơn, và đã nếm thử một lần thì khó có thể quên.
Đến Cà Mau quý khách hãy một lần thưởng thức Bánh Tầm Cà Mau hay còn goi là bánh tằm. Nước sốt bánh tằm rất đặc biệt, cay và thơm mùi cà ri, và luôn được đun riu riu trên bếp cho nóng. Ngoài ra, món bánh tằm được chuộng nhất xứ phải kể đến là bánh tầm xíu mại. Nơi đông thực khách nhất có thể kể đến là quán bánh tằm trên đường Lê Lợi, đường Nguyễn Hữu Lễ phường 2, đường Lưu Tấn Tài ở phường 5, thành phố Cà Mau… Nếu may mắn bạn sẽ được “thổ địa” chỉ đến một quán ăn rất có cá tính chỉ chuyên bán bánh tằm cà ri cay gà nằm trong con hẻm khuất (hẻm Vĩnh Quang) nhưng rất chiều ý thực khách.
Ngoài ra, Cà Mau còn những món ngon khiến thực khách ăn một lần nhớ mãi như: Bồn bồn Cà Mau (làm dưa, hoặc xào tép); ong non U Minh (làm gỏi; làm mắm; chiên bột); lẩu mắm U Minh; vọp (nướng mỡ hành; hấp rừng); tôm đất (nướng muối ớt; hấp nước dừa); hàu (nấu cháo, nướng mỡ hành); cá thòi lòi nướng muối ớt; ….
Quà tặng Đất Mũi Cà Mau
Cuối cùng, bạn hãy mua một ít đặc sản của Cà Mau về làm quà cho gia đình và bạn bè, Cà Mau có những đặc sản sau: Mật ong U Minh; Mắm lóc, cá sặc U Minh; Tôm khô Rạch Gốc; Khô cá bổi U Minh; Ba khía Rạch Gốc; …
Quý khách có thể mua những đặc sản này ở: Chợ phường 7; chợ phường 2; Vựa khô Thành Chinh; vựa khô Liêm Biển; …
Mang gì khi đến Cà Mau?
Quần áo gọn gàng, giày, dép bệt để tiện di chuyển.
Mang áo gió, áo chống nóng, khăn bịt mặt, kính, găng tay để chống nắng và phòng trường hợp đi đêm lạnh.
Không nên mang theo các đồ quý có giá trị: nhẫn, lắc, dây truyền...
Hạn chế mang theo nhiều tiền trong người.
Mua sẵn các túi ni lông to để đựng balô, các túi nhỏ để đựng quần áo.
Thuốc xịt hoặc bôi chống muỗi là không thể thiếu được
Các loại thuốc hay dụng cụ y tế cơ bản nhất.
 

Cá rô đồng ngày mưa

Những con rô đồng căng đầy bụng trứng, đen trũi bóng bẩy cố ngoi lên cao, kéo lê thân mình trên mặt đường nhựa từng đàn khiến ai đó bắt gặp cảnh tượng ấy cũng phải thảng thốt ồ…ồ… tay chân cứ lúng túng, trí óc bấn loạn bởi sự hoang sơ của không gian mộc mạc giản dị của làng quê dân dã. Tôi còn nhớ, đến cái sợi lạt để xâu những chú cá rô cũng thật là đặc biệt. Chúng tôi mỗi lần đi bắt cá rô chẳng cần phải chuẩn bị giỏ đựng chỉ thích lấy cành cây dương liễu tuốt bỏ lá và cứ thế đã có một cái xâu cá lí tưởng. Hình ảnh những đứa trẻ đi chân trần lùa nước, cởi truồng tắm mưa, trên tay lúc về bao giờ cũng là một xâu cá rô đồng vẫn thổn thức từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây cứ sống mãi trong dòng kí ức dẫu đầy rẫy bộn bề cuộc sống của tôi.



Cứ mỗi độ tháng chín tháng mười, mùa mưa lại ghé thăm dãy đất miền Trung chạy uốn cong theo chiều dài đất nước hình chữ S. Mảnh đất khô cằn với đất cát sỏi bạc màu, những cánh đồng choáng ngợp màu vàng dịu dàng, nương sắn, rẫy bắp xếp ngăn nắp trong những thửa ruộng vuông vứt chạy dài tít tắp đến tận cùng chân trời.
Con người miền Trung dường như đã quen với gió Lào bỏng rát da mặt, sự hoành hành của những trận bão lũ càng quét mọi thứ trên mặt đất vào vòng xoáy mênh mông sông nước. Những cánh đồng lúa đang vàng ươm bỗng phút chốc biến thành biển nước lênh láng, những ngôi nhà nhấp nhô trên mặt nước chỉ còn nhìn thấy trơ trọi mỗi nóc nhà. Ngồi trên những mô đất cao, lòng mỗi người dân cay đắng, nuốt tất cả trớ trêu của thiên nhiên vào tận đáy tâm can mà cam chịu, chấp nhận sự tàn khốc của những điều xảy ra bình thường nơi mảnh đất đầu sóng ngọn gió. 
Mùa mưa nơi đây cũng đặc biệt so với  những miền đất khác. Hạt mưa to nặng, ràn rạt, cuồng điên. Có khi mưa trút từng đợi dữ dội nhưng cũng có lúc kéo dài lê thê dầm dề từ ngày này qua ngày khác. Mọi hoạt động của nhà nông đều phải ngưng hoãn, mọi người ngồi nơi bậu cửa chỉ biết bó gối nhìn hạt mưa réo rắt lắc lư gọi mùa. Thay vì ngủ dài kì trong chăn ấm, nhiều người đã chọn việc săn tìm cá rô đồng làm thú vui, và cũng để bữa ăn mặn mà thêm vị chân quê nồng đượm.
Trời mưa, nước từ trong các con mương lênh láng lên cả lòng đường trải nhựa. Cá rô đồng lúc này ngược dòng nước đi lên lặn ngụp vẫy vùng để sinh đẻ. Đó là một cuộc đua vượt cạn đầy tính căng thẳng và mang đậm chất ngoạn mục. Cuộc hành hương ngược hướng theo tiếng gọi của khát khao thiên nhiên có thể sinh tồn. Mỗi dòng nước, ở ngóc ngách nhỏ nhất, thế hệ sau của cá rô cũng chan hòa trong bột nước li ti, bám víu vào rong, cây cối… sinh sôi cân bằng sinh thái thiên nhiên. Những con rô đồng căng đầy bụng trứng, đen trũi bóng bẩy cố ngoi lên cao, kéo lê thân mình trên mặt đường nhựa từng đàn khiến ai đó bắt gặp cảnh tượng ấy cũng phải thảng thốt ồ…ồ… tay chân cứ lúng túng, trí óc bấn loạn bởi sự hoang sơ của không gian mộc mạc giản dị của làng quê dân dã. Tôi còn nhớ, đến cái sợi lạt để xâu những chú cá rô cũng thật là đặc biệt. Chúng tôi mỗi lần đi bắt cá rô chẳng cần phải chuẩn bị giỏ đựng chỉ thích lấy cành cây dương liễu tuốt bỏ lá và cứ thế đã có một cái xâu cá lí tưởng. Hình ảnh  những đứa trẻ đi chân trần lùa nước, cởi truồng tắm mưa, trên tay lúc về bao giờ cũng là một xâu cá rô đồng vẫn thổn thức từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây cứ sống mãi trong dòng kí ức dẫu đầy rẫy bộn bề cuộc sống của tôi.

Chiều về, hoàng hôn xám ngắt trong làn hơi nước trong veo, bầu trời cao và lộng gió, không khí mát lành, cả nhà lại quây quần bên mâm cơm có cá rô đồng hiện diện. Có thể nói mùa nào trong năm cũng có cá rô đồng nhưng mùa mưa ăn cá rô là đúng điệu nhất. Bữa cơm chỉ đơn sơ một đĩa cá rô đồng chiên xù vàng rộm, một chén nước mắm ớt tỏi giã nhuyễn hòa quyện nồng cháy vị cay cay, một ít chanh chua chua, hòa tấu cùng hơi nóng từ chén cơm được mẹ ấp ủ nơi góc bếp củi bốc lên nghi ngút như thể tất cả vạn vật sinh ra bên nhau nơi đất này để được đồng điệu cái vị quê mùa. Cái chất vị ấy không thể nhầm lẫn, không thể lãng quên, không thể nào phai mờ đối với những ai được ăn cơm cùng cá rô đồng trong khí trời một chiều mùa đông miền Trung như thế. Từ cái miệng xinh xinh của cô gái thôn quê, thổi nhẹ vào làn hơi của chén cơm nóng hổi, gắp một ít thịt cá chấm mắm, cơm dẻo kết hợp độ cay nhẹ và chua chua, bùi bùi của cá rô mới thấy hết cảnh thần tiên mà người nông dân vẫn thưởng thức mỗi ngày. Có phải chính những món ăn dân dã ấy đã làm nên tính cách đôn hậu, giản dị, rất đỗi chất phác của mỗi người dân quê. Họ có thể yêu công việc đồng ruộng đến mê say, họ có thể làm việc ngoài đồng ruộng từ sáng đến chiều mà trên môi vẫn nở nụ cười dù thấm dẫm giọt mồ hôi mằn mặn trên đầu lưỡi. 
Cá rô đồng ngày mưa như một điệu nhạc mặn mà trong dàn đồng ca về cái chất thôn quê của một làng quê Việt. Đó là một món ăn thần tiên mà thiên nhiên đã ban tặng cho cuộc sống. 
Ngoài trời tôi đã thấy gió ràn rạt trên ngọn bằng lăng trước nhà, trời ầng ậng nước, mây đen kịt đuổi bắt nhau. Dấu hiệu mỏng manh ấy báo hiệu tôi biết  một mùa đông nữa sắp về. Tựa tay vào lang can, phóng tầm mắt xung quanh nhớ cảnh đồng nước mênh mông, mùi cá rô đồng thơm ngào ngạt cùng tiếng reo tí tách của lửa, trên đầu lưỡi sao bỗng thấy vị cay và chua dâng lên…mà hình như dư vị đó bây giờ chỉ còn trong tiềm thức. Bất giác, tâm hồn cảm thấy trống trãi, nỗi khát thèm dâng lên dào dạt,vị giác thì cứ tràn trề mùi vị của cá rô đồng đã lâu chưa được một lần được thưởng thức lại.



Dòng dọc, một loài chim gắn liền tuổi thơ!

Thuở nhỏ còn ở làng, cứ mỗi lần theo cha ra đồng là tôi lại thích tìm đến những nơi bưng biền, ở đó có nhiều lau sậy để tìm tổ chim dòng dọc (dồng dộc) lấy trứng.




Dòng dọc là loại chim nhỏ, có hình dáng tương tự như chim sẻ, bộ lông mượt mà, màu sắc hài hòa, đặc biệt là nhanh nhẹn, liếng thoắng và có tiếng kêu ríu rít, rộn ràng khiến trẻ con chúng tôi ngày đó mỗi lần nghe đến là lòng trở nên nôn nao, vui sướng lạ thường. Đặc biệt, chim dòng dọc thường sống thành đàn đông đúc. Khi làm tổ chúng chọn những nơi yên tĩnh và chung sống hòa bình bên nhau như "người hàng xóm".
Chim dòng dọc trước kia xuất hiện rất nhiều ở các vùng nông thôn miền Nam nước ta. Chúng thường làm tổ phía dưới các tàu dừa, trên ngọn cây, nhất là những cây sao, hàng tràm. Ngoài ra, dòng dọc cũng thích làm tổ ở những nơi thấp như ngọn đế, sậy giữa đồng. Ngày nay, môi trường thiên nhiên không còn "cưu mang" cho loài chim bé nhỏ này nữa nên chúng đã lần lượt kéo nhau về rừng, những nơi hoang vắng hơn để tiếp tục làm tổ đẻ trứng, nối dõi giống dòng.
Trong các loài chim muông, có thể nói dòng dọc là một loài chim làm tổ khéo nhất, tỉ mỉ và hoàn mỹ chưa từng có. Chính vì vậy mà nhiều người đã phong tặng cho loài chim này là “bậc thầy kiến trúc”, một loài chim xây tổ tài hoa nhất. Nhìn tổ chim dòng dọc treo lủng lẳng trên những cành cây cao chót vót chẳng khác nào một công trình kiến trúc mà ngay cả con người cũng không ngờ tới. Dù tổ treo trên cao hay dưới thấp và dù cho mưa gió cỡ nào, tổ chim dòng dọc vẫn bám chắc trên cành, vững như một bức thành trì kiên cố.


Chim mái có một “căn nhà” riêng độc đáo, không những bảo đảm che nắng che mưa mà còn có giá trị thẩm mỹ tuyệt vời. Từ xa nhìn lên nó giống như một cái túi hình chuông, bụng phình ra, nối liền với một cái ống tròn giống như tay áo dài cỡ 30 – 50 cm, miệng trút xuống phía dưới, gọi là cửa ra vào. Chỗ phình ra là một cái túi để cho chim đẻ, ấp trứng và nuôi con một cách an toàn.
Tổ chim trống đơn sơ hơn, giống như một cái chuông úp ngược. Sau khi tìm được bạn tình rủ về chung sống, con mái “có bầu”, con trống mới bắt đầu xây một “tổ ấm” kiên cố hơn, có phòng đẻ, ấp trứng đàng hoàng xinh xắn hơn gấp trăm lần. Đó chính là tổ chim mái. Thế nhưng, chuyện của loài chim cũng thật lạ. Chúng đã bỏ bao công sức để xây những chiếc tổ cầu kỳ, hoành tráng, vậy mà khi đàn chim non vừa đủ lông đủ cánh thì cả bố mẹ và con cái đều bỏ nhà ra đi, bỏ lại căn nhà trống trải. Mùa sau lại có đàn chim khác bay đến xây tổ mới.
Hồi đó, muốn lấy trứng chim dòng dọc tôi thường thọc tay vào tổ hoặc gở nguyên ổ chim xuống trút lấy trứng. Lũ trẻ lấy trứng chim là vì ham vui, khoái khám phá. Có đứa sau khi hốt cả chén mang về luộc ăn, nhưng cũng có đứa bạo dạn cho trứng sống vào miệng húp cả lòng đỏ và lòng trắng. Chúng bảo ăn như vậy mới bổ!
Ngày nay, mỗi lần nhìn thấy tổ chim dòng dọc là trong tôi lại trào dâng một cảm xúc dạt dào về thời tuổi thơ khốn khó. Trong ký ức của tôi, cứ mỗi lần đi lấy trứng chim là mỗi lần bị ong rược chạy té nhào vì loài chim này thường hay làm tổ bên cạnh những tổ ong mật, ong ruồi nên ai sơ ý nhào vô hốt trứng là sớm muộn gì cũng bị ong đuổi đánh.

Mùa chụp cá đìa quê tôi

Vùng quê U Minh, Cà Mau cứ đầu mùa mưa khoảng tháng 4, tháng 5 (âm lịch) cá nước ngọt từ những lung, bàu lũ lượt kéo nhau lên đồng tìm kiếm thức ăn và sinh đẻ bảo tồn nòi giống.


Hồi xa xưa, vùng quê cá nhiều vô số kể, đây là nơi trú ẩn, sinh sôi nhiều loại cá đồng như: Trê, lóc, cá sặc rằn, sặc bướm, thát lát, rắn, rùa, lươn, cua đinh. Cá là món ăn rất gần gũi với bà con, có nhiều người ăn cá từ khi mở mắt chào đời cho đến ngày răng long tóc bạc mà vẫn không biết chán, biết chê. Trước đây, bà con bắt cá bằng những dụng cụ thô sơ như: Tát đìa bằng thúng, bằng mo cau cột thành cái gàu, hoặc thùng thiếc rồi đến gàu sòng, gàu dai… một thời gian nhờ máy nổ hút nước. Nhưng bắt cá chụp đìa bằng cách “ken lưới” là tiện lợi, khẩu đìa ngắn hay dài đều bắt được, con cá không đuối sức và hầu như bắt trọn ổ.
Bà con ở vùng quê rất có kinh nghiệm xem, tìm hiểu đìa cá nhiều hay ít. Xem bằng nhiều cách: Lắng nghe tiếng quẫy đuôi, tiếng ngớp, tiếng ục, tiếng chép, tiếng táp mồi. Chắc hơn nữa, lặn xuống hươ tay có đụng cá hay không? Xem cá xắn để dấu vào ở hai mé đìa nhiều hay ít, cá làm hang nhiều không?...
Sau khi xem xong khẩu đìa của mình, gia chủ mới đi mướn lưới chụp, lưới dài hay ngắn đều có đủ kích cỡ. Trước tiên, dùng “phảng” phát cỏ dại, rau muống, lục bình, lấy “cù nèo” dọn sạch rau cỏ, lục bình trong đìa kéo sạch lên bờ, chờ nước lắng là bắt đầu ken lưới.
Chụp đìa là nếp sống quen thuộc của bà con quê tôi, các địa phương khác xem câu chuyện chụp cá đìa như huyền thoại. May thay bà con ta vẫn tiếp tục nuôi cá đồng; vẫn tiếp tục sống chung với cá, vẫn hy vọng vùng đất quê tôi mãi là một thế giới cá đồng.





Mùa mưa về miền Tây lượm ốc luộc hèm

Ốc bắt được đem về rửa sạch rong rêu bám ngoài vỏ rồi chắc nước gạo vo cơm vào rọng ốc. Chính nước cơm đã làm cho ốc nhả hết những cặn bã mà nó ăn được trên đồng. Vì thế, ốc sẽ rất sạch.

Miền Tây Nam bộ có nhiều kênh rạch, ao đìa là môi trường thuận lợi cho loài ốc sinh sôi. Hằng năm, hễ những cơn mưa đầu mùa trút xuống, những cánh đồng mênh mông sau bao ngày nắng hạn giờ đây nước bắt đầu ngập xâm xấp gốc rạ. Điều kiện tự nhiên ấy thuận lợi để những con ốc lát, ốc đắng xuất hiện đẻ trứng, duy trì nòi giống. Ốc lát màu đen con cỡ ngón chân cái, ốc đắng nhỏ hơn, đít quắn hơn, thịt lại có vị nhẫn đắng, … Đây là hai loại thường được người dân miền Tây lượm về ăn nhiều nhất.
Ở miền quê, người ta thường dùng gạo nấu rượu. Rượu đó được gọi là rượu đế. Thứ nước cay là bạn đồng hành của bợm nhậu. Thứ bã rượu dân gian gọi là hèm. Cái và nước hèm có vị chua bởi gạo đã được lên men trước khi cho vào nồi nấu làm rượu. Hèm là chất liệu phổ biến để nuôi heo. Nhưng không dừng lại ở đó, người miền quê còn có sáng tạo dùng nước hèm để chế biến thức ăn. Hèm dùng để luộc cá, luộc rau muống, đặc biệt là luộc ốc.
Cách chế biến món ăn này cũng đơn giản. Người ta chỉ cần rửa lại ốc cho sạch sau khi đã rọng hết rong rêu, để ra rổ cho ráo nước. Dùng vải mùng gạn hèm, lấy nước trong màu trắng đục, bã cơm rượu còn sót lại bỏ đi. Bắc nồi nước hèm lên bếp, chờ nước sôi trút ốc vào luộc. Nước sôi lại mấy bận, ốc bung mài là được. Đổ ốc ra rổ tre, xốc mạnh cho mài ốc và nước còn đọng trong mình ốc chảy hết ra. Dọn ốc ra tô, bên cạnh là chén muối ớt hoặc chén cơm mẻ trộn với sả, ớt để chấm. Khi ăn, người ta bẻ gai chanh, gai bưởi hoặc dùng vật nhọn để lể.
Ốc luộc hèm có sự kết hợp giữa vị ngọt từ thịt những con ốc mập tròn, với vị chua độc đáo của thứ hèm khi gạo đã lên men, hòa cùng vị mặn và cay của nước chấm làm cho miếng ăn thêm đậm đà không thể lẫn lộn. Nhà quê, thường ăn ốc với cơm nóng. Nhưng món ốc luộc hèm thường được quý ông rất ưa thích làm mồi nhậu. Năm ba anh em, gặp nhau với tô ốc luộc hèm và xị rượu đế là cuộc vui có thể kéo dài từ chiều đến tận khuya mới tàn.