Thất Sơn còn gọi là Bảy Núi, nằm ở hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, tỉnh An Giang, không chỉ nổi tiếng ở đồng bằng sông Cửu Long mà còn được nhân dân trong nước biết đến. Tuy gọi là Bảy Núi, thật ra là một quần thể núi non có một không hai ở Nam Bộ.
Ngoài núi Ba Thê, núi Sập (Thoại Sơn), núi Sam (Châu Ðốc) và còn có dãy núi nối đuôi nhau chạy dài giáp vùng biên giới Việt Nam và Cam-pu-chia, trong đó núi Cấm (Thiên Cấm Sơn) cao 716 m, núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn) cao 614 m là báu vật của đồng bằng. Ðiều độc đáo là, tại Tân Châu, có núi Nổi, là núi thấp nhất, chỉ cao hơn mặt bằng nước lũ hằng năm vài mét và chu vi chỉ khoảng 1.000 m. Tên của núi này cũng được đặt từ vị trí nổi trên mặt nước của nó.
Núi Sập ở huyện Thoại Sơn được triều đình nhà Nguyễn đặt ‘núi Ông Thoại’ – (tên vị khai quốc công thần Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại) sau khi Thoại Ngọc Hầu cho nạo vét kinh Ðông – Xuyên, do công lao đó nên triều đình cho đặt là Thoại Hà (sông ông Thoại). Nhắc đến Thoại Ngọc Hầu, người khai phá miền Hậu Giang, cũng cần nói thêm việc đào kinh Vĩnh Tế (Châu Ðốc) thẳng đến Hà Tiên, giáp tuyến biên giới Việt Nam – Cam-pu-chia. Người dân ghi nhớ công ơn to lớn của bậc tiền nhân đã từng đổ xương máu khai phá vùng đất hoang vu thành vùng đất trù phú.
Việc khai thác tiềm năng thế mạnh của vùng Bảy Núi nằm trong vùng đồng bằng sông Cửu Long được xác định phải đi đôi với việc bảo vệ cảnh quan và môi trường thiên nhiên. Là trung tâm của văn hóa Óc Eo (Phù Nam), nơi dễ thu hút khách của tuyến phát triển du lịch thành phố Hồ Chí Minh – Cần Thơ – Hà Tiên – Phú Quốc – Rạch Giá, cả tuyến quốc tế An Giang – Tà Keo – Phnôm Pênh – Xiêm Rệp, cả du lịch đường sông Cần Thơ – Châu Ðốc – Tân Châu – Phnôm Pênh – Biển Hồ; du lịch đường biển với các nước trong khu vực ASEAN. Chiến lược phát triển lâu dài vùng Bảy Núi đang được xây dựng một cách toàn diện để khai thác tiềm năng và phát triển du lịch.
Vì vùng Bảy Núi có nhiệt độ thấp hơn dưới đồng bằng, là nơi rất lý tưởng cho những ngày cuối tuần, nhất là trong mùa hè oi bức. Ðể bảo tồn và phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, cơ sở hạ tầng, cơ sở dịch vụ nghỉ dưỡng đang được nâng cấp và hoàn thiện. Tuyến lữ hành qua các tuyến miền Tây, hải đảo và xuyên biên giới sẽ thu hút khách với điểm dừng chân ở Bảy Núi.
An Giang mùa lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam nổi tiếng, có hệ thống chùa chiền, lăng miếu Thoại Ngọc Hầu, đền Ðức Cố Quản Trần Văn Thành, chùa Thới Sơn, Tổ Ðình Phú Tân… hằng năm thu hút hàng triệu khách hành hương về đây. Tại huyện Thoại Sơn, nền văn hóa Phù Nam được khai thác đầu tiên ở Gò Cây Thị Óc Eo (nay là Thị trấn Óc Eo). Dân tộc Khơ-me và Chăm Pa (Chà Châu Giang) với những đền, chùa có kiểu dáng độc đáo và phum, sóc cùng với những làng nghề truyền thống và các điệu múa dân tộc, dân gian đặc sắc.
Các di tích lịch sử khác như đền thờ Chủ tịch Tôn Ðức Thắng (Cù lao ông Hổ), chùa Giồng Thành (Phú Tân), chùa Hòa Thạnh (Tịnh Biên) là nơi cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh sống và truyền bá tinh thần yêu nước, trị bệnh, cứu dân. Di tích Ô Tà Sóc, đồi Tức Dụp với hệ thống hang động nổi tiếng… nay đã trở thành điểm về nguồn của thế hệ trẻ, về với những huyền thoại có thật qua các cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân suốt chặng đường 30 năm của thế kỷ trước.
Ngoài ra, Bảy Núi còn có nguồn dược liệu quý, để chế biến dược phẩm điều trị bệnh cho dân. Ðó là những đặc điểm vốn có của Bảy Núi, là lợi thế, là tiềm năng, là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương có tầm quốc gia và quốc tế mà không phải tỉnh nào có được như An Giang.
Bảy ngọn núi chính:
1) Thiên Cẩm Sơn (núi Gấm, núi Cấm, núi ông Cấm)
2) Anh Vũ Sơn (núi Két, núi ông Két)
3) Ngũ Hồ Sơn (núi Dài 5 giếng)
4) Liên Hoa Sơn (núi Tượng)
5) Thủy Đài Sơn (núi Nước)
6) Ngọa Long Sơn (núi Dài)
7) Phụng Hoàng Sơn (núi Cô Tô, núi Xuân Tô, núi Tô, núi ông Tô)
1) Thiên Cẩm Sơn (núi Gấm, núi Cấm, núi ông Cấm)
2) Anh Vũ Sơn (núi Két, núi ông Két)
3) Ngũ Hồ Sơn (núi Dài 5 giếng)
4) Liên Hoa Sơn (núi Tượng)
5) Thủy Đài Sơn (núi Nước)
6) Ngọa Long Sơn (núi Dài)
7) Phụng Hoàng Sơn (núi Cô Tô, núi Xuân Tô, núi Tô, núi ông Tô)
Hồng Thạnh (Theo Nhân Dân)