Chim Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long

Unknown 9:22 PM


Thống kê cho biết ở Đồng Bằng Sông Củu Long (ĐBSCL) có khoảng 30 vườn chim lớn nhỏ trên các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang, Cà Mau, Kiên Giang… (riêng hai tỉnh Kiên Giang, Cà Mau đã có hơn 10 vườn chim).

Nhiều vườn chim được hình thành ngay tại các chùa chiền, miếu mộ, diện tích hẹp, chỉ vài ba công đất. Có nơi chim tụ tại khu vườn cây ăn trái của nguyên chủ bỏ hoang vì những năm bom đạn chiến tranh tàn phá. Có những vườn chim hình thành từ rất lâu, rộng hàng trăm héc-ta, như vườn chim ở rừng U Minh Thượng, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang), vườn chim Ngọc Hiển (Cà Mau). Đặc biệt nhất là Vườn quốc gia Tràm Chim Tam Nông (Đồng Tháp), diện tích 8.000 ha, bao gồm năm xã, thị trấn của huyện Tam Nông. Năm 2000 và những tháng đầu năm 2001, Vườn quốc gia Tràm Chim đã đón tiếp hơn 70 đoàn với hơn 1.200 lượt khách trong và ngoài nước đến du ngoạn và nghiên cứu khoa học. Nơi đây có thảm thực vật với 130 loài và là nơi cư trú của hơn 100 loài động vật có xương sống, 56 loài thủy sản, 147 loài chim. Trong đó, có 13 loài chim quý hiếm của thế giới, đặc biệt là sếu đầu đỏ, cổ trụi.
Hằng năm, sau khi lũ rút, những cơn gió bấc lao rao thổi, nước đồng cạn dần, cá tép tuôn ra sông, là thời điểm sếu cổ trụi bay về vườn Tràm Chim kiếm ăn, múa hát. Tính đến cuối tháng 4-2001, tại vườn Tràm Chim đã xuất hiện thêm nhạn biển, một loài chim quý, mới phát hiện. Đoàn sinh thái thực địa của Hội bảo vệ sếu quốc tế (ICF) và nhà nghiên cứu điểu học của Nhật Bản đã hợp tác với vườn quốc gia Tràm Chim nghiên cứu quá trình sinh sống của loài sếu để bảo vệ loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng này.
Xứ dừa Bến Tre thu hút nhiều loài chim từ ĐBSCL, tuy số lượng còn ít. Bến Tre là vùng tiêu biểu cho rừng ngập mặn quy tụ các nhóm chim sống ven bờ nước. Nhiều bãi triều rộng ở các vùng cửa sông là môi trường thiên nhiên lý tưởng cho các loài chim ăn các sinh vật ven bờ nước. Những khu rừng đước trồng mới ở Thạnh Phú, Bình Đại, Ba Tri… trở thành sân chim hấp dẫn. Các sân chim khác ở Cồn Đất, Cồn Nhàn đang khôi phục và vẫy gọi nhiều loài chim một thời lục tục trở lại đông đảo như cò, diệc, cồng cộc, sáo, le le và dơi quạ, tạo cảnh quan độc đáo.
Vườn chim Bạc Liêu rộng 250 ha với gần 50 loại chim làm tổ sinh sôi nảy nở, mỗi năm phát triển thêm hàng chục ngàn con, nào quắm trắng, cò trắng, cò xanh, cồng cộc, điên điển, vạc, diệc, giang sen, cùng với các loài chim lạ chưa xác định được tên. Chúng quần tụ, làm tổ trong những vạt rừng rậm rạp gồm các loại cây giá, cóc, tra, chà là và cỏ dại. Thông thường, mùa mưa là mùa chim về tụ hội, xây tổ sinh sản. Mùa khô đồng ruộng nứt nẻ, rừng cạn nước, nhiều loài chim phải di trú nơi khác. Những năm gần đây, nhằm giữ được chim trong mùa nắng, ban quản lý vườn chim Bạc Liêu đã đào kênh bao quanh, đào hồ chứa nước, đào mương nuôi cá tạo nguồn nước và thức ăn để có “đất lành chim đậu”.
Được biết ĐBSCL còn có một số loài chim quý hiếm khác mới xuất hiện như loài cò ốc thường sinh sống ở các đầm lầy và làm tổ ở các khu rừng ngập mặn, rừng tràm. Loài gà đảy làm tổ ở các rừng tràm Kiên Giang, Cà Mau, số lượng chưa nhiều. Hạc cổ trắng là loài hiếm, cũng đã tìm thấy ở các cánh rừng tràm Kiên Giang, Cà Mau.
Theo thống kê các loài chim thú và lưỡng cư, bò sát tại các vườn chim ở ĐBSCL, thì vườn chim có số lượng cao nhất là Ngọc Hiển (Cà Mau), U Minh Thượng (Kiên Giang). Còn vườn chim có số lượng ít nhất là vườn chim Cù Lao Đất (Bến Tre). Mỗi vườn chim chí ít có từ 4.000 con, nhiều nhất là 100 nghìn con. Số lượng cá thể của từng loài ít nhất cũng vài chục con, có loài vài ngàn, có loài cả vài chục ngàn. Trong số các vườn chim ở ĐBSCL, không những chỉ có chim mà còn có thú và lưỡng cư, bò sát. Trước đây, vườn chim ở rừng U Minh Thượng có hổ, nai, heo rừng, chồn khỉ, trăn, rắn, rùa…
Vườn chim tỉnh Sóc Trăng có một loài thú nuôi con bằng sữa, nhưng biết bay là dơi quạ. Số lượng dơi quạ tại Chùa Dơi (Sóc Trăng) khá đông, nổi tiếng trên cả nước. Dơi, quạ ở đây to khỏe, mỗi con nặng nửa cân.
Hiện nay số lượng chim tại các vườn chim ở ĐBSCL giảm sút đáng kể so với trước. Các vườn chim thiên nhiên là những nguồn lợi quan trọng của đất nước, cần bảo vệ chặt chẽ. “Sân chim vườn cò” là cảnh quan độc đáo, nguồn tài nguyên thiên nhiên vô giá ngày càng thu hút đông đảo khách thăm trong nước và ngoài nước.
Nguồn: tvvn.org

Share this

Related Posts

Previous
Next Post »